Lá tía tô không chỉ là một loại rau xanh trong bữa ăn hằng ngày mà còn là một loại thảo mộc đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cùng tìm hiểu tác dụng của lá tía tô qua bài viết dưới đây nhé.
1. Hỗ trợ điều trị hen suyễn
Theo Y học cổ truyền Trung Quốc, tía tô là một cây thảo dược cổ điển được sử dụng rộng rãi để chống lại bệnh hen suyễn nhờ thành phần luteolin có tác dụng giãn các cơ trơn của khí quản. Ngoài ra, lá tía tô còn có khả năng làm giảm viêm và giảm phản ứng dị ứng gây đau họng và khó thở cho những người mắc bệnh hen suyễn.
2. Điều trị bệnh tiểu đường
Theo nghiên cứu, chiết xuất từ lá tía tô có tác dụng hữu ích đối với tăng đường huyết, rối loạn lipid máu, không dung nạp glucose và insulin. Từ đó cho thấy, lá tía tô có tiềm năng phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2. Bên cạnh đó, việc sử dụng các sản phẩm hỗ trợ điều trị tiểu đường cũng là một phương pháp hữu hiệu để kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ biến chứng của bệnh.
3. Chống trầm cảm
Các hợp chất có trong lá tía tô như acid rosmarinic và acid caffeic đã được chứng minh có hoạt tính chống trầm cảm. Ngoài ra, tía tô cũng là một thành phần quan trọng trong một công thức y học cổ truyền Trung Quốc được sử dụng để chống trầm cảm.
4. Chống ung thư
Chiết xuất từ lá tía tô có hoạt động chống oxy hóa, chống viêm và ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư ở người. Các nghiên cứu đã cho thấy lá tía tô có khả năng chống lại các tính chất đặc trưng của tế bào ung thư, như tăng trưởng không giới hạn, hoạt động chống lại quá trình apoptosis, kích hoạt sự xâm lấn và di căn trong ung thư ruột kết và ung thư phổi.
5. Chống oxy hóa cho cơ thể
Lá tía tô chứa các hoạt chất như acid rosmarinic, luteolin có hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn. Việc sử dụng tía tô đỏ có thể mang lại hiệu quả chống oxy hóa mạnh hơn so với tía tô xanh.
6. Bảo vệ tim mạch
Dầu tía tô chứa acid alpha-linolenic có khả năng chống xơ vữa động mạch. Các chất chống oxy hóa trong lá tía tô cũng giúp ngăn chặn quá trình oxy hóa cholesterol và giữ cho động mạch không bị tắc nghẽn, bảo vệ tim mạch.
7. Hỗ trợ tiêu hoá
Lá tía tô được ghi nhận có tác dụng cải thiện chứng đầy hơi, khó chịu ở bụng, chống co thắt và chống viêm, đặc biệt là đối với phụ nữ. Dầu tía tô cũng có tác dụng nhuận tràng và tăng nhu động dạ dày, đặc biệt ở người bị táo bón.
8. Bảo vệ hệ thần kinh
Lá tía tô chứa acid α-linolenic có tác dụng bảo vệ hệ thần kinh và tăng cường trí nhớ. Nghiên cứu cũng cho thấy sử dụng luteolin có thể cải thiện tình trạng thiếu hụt nhận thức và tổn thương tế bào thần kinh do giảm tưới máu não mạn tính gây ra.
9. Cách sử dụng và liều dùng lá tía tô
Lá tía tô có thể được sử dụng như một loại rau ăn hằng ngày hoặc làm hương liệu cho món ăn. Có thể sử dụng lá tía tô tươi hoặc sấy khô. Liều lượng điển hình trong các công thức thuốc sắc của lá tía tô là 6 gam mỗi ngày, hoặc 3 đến 12 gam mỗi ngày khi kết hợp với các loại thảo mộc khác.
Lá tía tô mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không nên sử dụng lá tía tô đối với người có cảm nóng hoặc tự ra mồ hôi. Đối với phụ nữ có thai, cần thận trọng vì việc sử dụng tía tô trong liều lượng lớn và liên tục có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Xem thêm: 13 công dụng của bồ công anh đối với sức khỏe có thể bạn chưa biết, Đông trùng hạ thảo là gì? Công dụng, cách dùng, liều dùng và tác dụng phụ, Đương quy là gì? Công dụng, cách dùng, lưu ý khi sử dụng