Hoàng kỳ là một loại cây thuốc được nghiên cứu và nhắc tới trong sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Giáo sư Đỗ Tất Lợi. Với nhiều thành phần tốt cho sức khỏe, hoàng kỳ chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất thiết yếu.
Tên khoa học của loại cây này là Astragalus membranaceus Bge thuộc họ đậu và được trồng ở nhiều vùng của Việt Nam để sử dụng trong các bài thuốc trị bệnh. Cách sử dụng phổ biến nhất là phơi khô để sắc thuốc cùng các vị thuốc khác hoặc làm nguyên liệu nấu súp, ngâm trà. Hiện nay, hoàng kỳ cũng được sử dụng trong dạng bào chế dược liệu, chiết xuất hoặc dạng thuốc viên để tăng dược tính.
Tác dụng của hoàng kỳ với sức khỏe con người
Không chỉ được lưu truyền dân gian, tác dụng của hoàng kỳ với sức khỏe con người đã được y học hiện đại nghiên cứu và chứng minh. Có nhiều tác dụng điển hình như tăng cường sức đề kháng, làm chậm quá trình lão hóa tế bào và ngăn ngừa oxy hóa. Bài thuốc sử dụng hoàng kỳ được nhiều người biết đến nhất là trong việc điều trị bệnh thận mạn.
Dược tính của hoàng kỳ có nhiều tác dụng cải thiện triệu chứng và làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn như:
- Giảm mức độ protein niệu: Hoàng kỳ có thể giảm mức độ protein niệu, cải thiện tổn thương và làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn.
- Giảm lipid máu: Sử dụng hoàng kỳ cải thiện rối loạn chuyển hóa lipid và giảm biến chứng từ bệnh thận.
- Chống viêm, điều hòa miễn dịch: Hoàng kỳ ức chế các cytokine gây viêm tại thận và có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ.
- Bảo vệ mô thận chống lại tổn thương: Sử dụng hoàng kỳ duy trì được eGFR ổn định, trì hoãn việc thay thế thận ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn giai đoạn 4 tiến triển.
- Tác dụng lợi tiểu: Hoàng kỳ giúp cải thiện lượng nước và natri, tăng lượng nước tiểu.
- Kiểm soát huyết áp: Hoàng kỳ có thể kiểm soát huyết áp ở liều dùng thấp và duy trì huyết áp ổn định ở liều lớn.
- Tác động làm chậm quá trình xơ hóa: Hoàng kỳ và đương quy tác động lên chất điều chỉnh TGF-1, làm chậm quá trình xơ hóa thận.
Với những tác dụng trên, hoàng kỳ giúp kiểm soát triệu chứng chung của bệnh thận mạn tính. Tuy nhiên, nên sử dụng hoàng kỳ như một phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh, không phải là phương pháp chính.
Một số bài thuốc sử dụng hoàng kỳ
Cách sử dụng thông thường của hoàng kỳ là sắc thuốc từ nguyên liệu khô cùng với các dược liệu khác. Bạn có thể sử dụng hoàng kỳ trong các bài thuốc như sau:
Nguyên liệu: 5 – 10g hoàng kỳ dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với các loại thảo dược khác như ngũ vị tử, cam thảo, táo tàu khô, quế chi, kỷ tử, hồng hoa,…
Cách sắc: Cho hoàng kỳ cùng các nguyên liệu vào nước đun sôi trong khoảng 10 – 20 phút, sau đó sử dụng nước thuốc uống như trà. Bạn có thể đun lại nhiều lần để lấy hết tinh chất từ hoàng kỳ và thay thế một phần cho nước uống hàng ngày.
Ngoài ra, hoàng kỳ cũng có thể được sử dụng trong nấu thịt, nấu cháo hoặc chế biến các món ăn bổ dưỡng hầm cùng thuốc bắc. Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân có liều dùng hoàng kỳ khác nhau, không nên dùng lượng quá nhiều mỗi ngày (tối đa 40g hoàng kỳ khô).
Hiện nay, có nhiều đơn vị sản xuất thuốc bổ hoặc thuốc hỗ trợ điều trị bệnh thận mạn tính bào chế từ hoàng kỳ kết hợp với dược liệu khác như gừng, đương quy, cam thảo. Trước khi sử dụng, bạn nên kiểm tra kỹ thành phần dược liệu và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Dù khá an toàn với sức khỏe, sử dụng hoàng kỳ trong thời gian dài cũng có thể gây tác dụng phụ không tốt. Vì thường sử dụng chung với các loại thuốc và thảo dược khác, tác dụng phụ của hoàng kỳ khó được xác định. Do đó, để hạn chế ảnh hưởng xấu, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và sử dụng đúng liều lượng khuyến cáo.
Hoàng kỳ có thể gây tương tác với một số loại thuốc điều trị, như cyclosporine hay cortisone. Do đó, tránh sử dụng kết hợp với các loại thuốc này và nếu cần uống thuốc, hãy ngưng sử dụng hoàng kỳ.
Thông tin trên đây là về hoàng kỳ – một vị thuốc thường có trong các bài thuốc cải thiện sức khỏe, giảm triệu chứng và tiến triển của bệnh thận mạn. Để có được tác dụng tốt nhất, hạn chế tác dụng phụ và tương tác với thuốc khác, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.