Sân thượng là nơi tách biệt gần như hoàn toàn với sự hối hả của cuộc sống bên ngoài. Đặc biệt đối với không gian nhà phố, người ta tận dụng thêm không gian sân thượng để gia tăng mảng xanh; làm nơi thư giãn, nghỉ ngơi,…Tuy nhiên, khác với việc bố trí cây xanh dưới mặt nền, tạo vườn sân thượng cần lưu ý những vấn đề về chống thấm, tính bền vững và đặc biệt cần lưu tâm đến phong thủy sân thượng. Vậy những vấn đề phong thủy đó là gì, hãy cùng theo dõi qua bài viết: những lưu ý về phong thủy khi trồng cây sân thượng nhé!
1. Cây xanh sân thượng với không gian chức năng tầng dưới
Trong phong thủy sân thượng, khi bố trí tiểu cảnh sân vườn, hòn non bộ, tiểu cảnh thác nước; bố trí cây xanh, khu vực trồng rau, hay bồn chứa nước, nên tránh đè nén lên các khu vực tâm linh, khu thờ, hay nhà bếp, phòng ngủ tầng dưới.
Việc này tránh tạo ra những nguồn áp lực xấu, năng lượng đè nén cho các khu chức năng bên dưới, đối với khu tâm linh lại là nơi cần phải tránh, để giữ sự tôn nghiêm, linh thiêng.
2. Lưu ý về sức sống cây trồng sân thượng
Phía trên sân thượng là nơi có điều kiện khí hậu tương đối khắc nghiệt, là nơi chịu ảnh hưởng lớn của lượng bức xạ mặt trời; là nơi chịu nắng, chịu mưa, gió bão. Vì thế khi trồng cây, cần lưu ý chọn những loài có sức sống khỏe, chịu được thời tiết khắc nghiệt, đó là những loại cây địa phương hay những loài có đặc điểm thích nghi tốt.
Xem thêm: Gợi ý 10 cây trồng sân thượng chịu nắng dễ chăm sóc
Những cây trồng bị bệnh, còi cọc hay héo úa là nơi hãm khí xấu, cần loại bỏ chúng đi và thay vào những cây xanh tốt, sức sống khỏe khác.
Xem thêm: Hướng dẫn chăm sóc cây trồng sân thượng
3. Vườn rau sạch và cây ăn trái sân thượng
Vườn rau sạch và cây ăn trái nhỏ là những loài cây được chú trọng trồng trên khoảng không gian sân thượng, vì tính tiện lợi, vừa xanh mát, vừa cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho gia đình.
Những loài cây ăn quả trồng chậu, thích hợp cho không gian sân thượng như: lựu, nhãn, sơ ri, khế, bưởi, ổi, xoài,… không những góp phần tạo nên không gian xanh mà còn mang lại tài lộc, may mắn, những chùm quả tượng trưng cho sự sung túc, thịnh vượng và sức khỏe.
4. Phong thủy sân thượng tuân theo điều kiện tự nhiên
Nhắc đến phong thủy, người ta hay nghĩ đến những quan niệm nhân gian mang hơi hướng tâm linh. Nhưng thực chất, phong thủy là những kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn, dựa trên những quy luật vận động của tự nhiên; là học thuyết nghiên cứu về sự ảnh hưởng của địa lý, hướng gió, hướng khí và mạch nước đến đời sống; họa phúc của con người. Thế nên nền tảng của phong thủy vẫn là khoa học.
Vì thế đối với cây trồng sân thượng, quan tâm đến yếu tố tự nhiên cũng là chú trọng phong thủy trong trồng cây. Cần lưu ý đến yếu tố ánh sáng, hướng nắng, các lại cây ăn trái cần đủ ánh sáng để đơm hoa, kết trái; các loài cây ưa bóng có thể trồng dưới tán cây cao,…
Cây phát triển xanh tốt, cho hoa, tạo quả sum suê mới góp phần tăng vượng khí cho ngôi nhà.
Sức gió, hướng gió cũng là vấn đề quan trọng trong phong thủy khi trồng cây sân thượng. Vì thế, khi dựng giàn cho cây dây leo, cần tạo không gian mở, tránh tạo thành nơi hứng gió. Cấu trúc giàn leo cần vững chắc, tránh tác động của gió làm hư hại.
5. Ánh sáng cho sân thượng
Ánh sáng là yếu tố quan trọng, chi phối mọi hoạt động của con người, ánh sáng đại diện cho cho nguồn năng lượng dương, mang lại sinh khí cho ngôi nhà, tài vận cho gia chủ. Chính vì thế ánh sáng cũng là một yếu tố quan trọng trong phong thủy khi trồng cây sân thượng.
Vào ban đêm, ánh sáng bên trong ngôi nhà sẽ không đủ lan tỏa cho không gian bên ngoài sân thượng, vì thế nên cân nhắc bố trí đèn khi trồng cây, có thể sử dụng đèn treo cho cây, đèn chiếu điểm dưới gốc cây…,đèn thắp sáng trên cao sẽ bao quát được cả khu vườn.
Hy vọng, với những lưu ý về phong thủy khi trồng cây sân thượng sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích khi bố trí tạo khu vườn đẹp mắt và xanh mát trên không gian này.
Tìm hiểu thêm: Cây cảnh hợp phong thủy